Tâm lý không vững vàng, cầm máy phun xăm không chắc tay, đi kim quá nhanh hoặc quá sâu,… đều có thể gây ra lỗi khi phun mí cho khách khiến khách bị đau và sưng phù. Vậy có những lỗi nào thường gặp khi phun mí và cách khắc phục xử lý chuẩn là gì?
Phun xăm mí mắt là gì?
Phun xăm mí mắt là phương pháp dùng kim đưa mực xăm vào mí mắt tạo ra một đường kẻ sắc nét cho mí mắt của bạn. Phương pháp này đòi hỏi độ tỉ mỉ rất cao và buộc người thợ phun xăm phải nắm chắc về cấu trúc mí mắt.
Khi phun xăm mí mắt, các chuyên gia hay người thợ phun xăm phải dùng một dụng cụ chuyên dụng có gắn đầu kim siêu nhỏ, đi từng nét tỉ mỉ trên vùng viền mí để đưa mực vào. Loại mực này sẽ làm thay đổi sắc tố mí mắt giúp mí mắt có điểm nhấn rõ rệt và nổi bật hơn hẳn so với người không phun.
Cũng như phun xăm chân mày hay phun xăm môi, phun xăm mí mắt cũng gặp rất nhiều lỗi mà chủ yếu là do tay nghề thợ còn non, chưa có nhiều kinh nghiệm, tâm trạng bất ổn không tập trung gây ra.
3 lỗi thường gặp trong khi phun xăm mí mắt
– Phun mí bị lem: Nguyên nhân chính của lỗi này là do tay nghề thợ còn non chưa có nhiều kinh nghiệm, tay không vững, đi kim ra ngoài khiến mực bị loang lổ. Cách xử lý: dùng Laser YAG đầu 1064 để xóa liền bằng năng lượng thấp nhất bắn vào phần bị lem. Trường hợp cơ sở bạn không có máy xóa xăm chuyên dụng, hãy dặn khách hàng quay lại sau 1 tháng để phun màu da lên phần bị lem.
– Đường viền mí không sắc sảo: Nguyên nhân chính của lỗi này là do người thợ đi kim không dứt khoát và sâu quá khiến đường viền mí không đều màu, không thanh thoát dẫn tới không sắc sảo. Với lỗi này ta cũng xử lý tương tự lỗi trên là dùng laser để xóa lem hoặc hẹn khách quay lại 1 tháng để phun màu da lên những chỗ bị lem rồi làm lại hoặc dặm thêm.
– Mí mắt bị đọng mực: Nguyên nhân chính là do người thợ đi kim sâu lực không đều dẫn tới mực bị đọng lại trên mí. Cách xử lý là bắt buộc phải dùng laser xóa xăm đi rồi phun lại mí mới cho khách.
Những lưu ý quan trọng khi phun xăm mí mắt
– Khi phun mí mắt cho khách, trước tiên bạn phải tiến hành ủ tê thành công. Có như vậy, quá trình thực hiện phun mí sẽ hạn chế tối đa đau đớn cho khách và bạn cũng phun được dễ dàng và hiệu quả hơn.
– Canh chỉnh góc độ của kim phun xăm sao cho đầu kim vuông góc với bề mặt da. Đồng thời tư thế cầm máy xăm phải vững vàng.
– Chú ý lực đi kim phải đều tay và thật nhẹ nhàng. Phun mí không đi nhanh như phun mày được, đồng thời đường nét phải dứt khoát, tránh đi qua lại quá nhiều lần gây tổn thương đến da mí của khác.
– Lúc phun mí mũi kim để dài khoảng 1mm, nhưng độ sâu của kim đi vào da khoảng 0.03mm-0.04mm. Giữ đúng khoảng cách này sẽ giúp hạn chế tình trạng rách da mí làm máu ra nhiều cũng như ngăn được lỗi đọng mực trên mí.